Phở và Văn Học Hải Ngoại

Riêng tặng các nhà văn thơ Sương Lam, Tâm Huy, Tân Kim Dung, Lão Tiểu, và Thi San


Thường Nhân Hùng Nguyễn

 
Thường Nhân  
   

Tôi nhận được quyển truyện Tuổi Thơ Trong Khói Lửa của nhà văn Đinh Trần ngay từ khi ấn bản còn nóng hổi, mới ra lò. Đây là quyển truyện dài tiếp liền theo quyển truyện ngắn, Hoài Cảm, xuất bản năm 2004. Quả thực sức sáng tác cuả tác giả rất sung mãn và đầy hứng cảm. Nhưng điều quan trọng nhất là với một quyển truyện dài và một quyển truyện ngắn nhà văn Đinh Trần đã đạt dư tiêu chuẩn để được vinh dự mang tước hiệu “Ông Hoàng của Văn Học VN hải ngoại.” Đây là một mỹ danh chính thức dành cho những văn tài hải ngoại, mà nếu muốn nêu bật được tính cách to tát và rực rỡ của tước hiệu này thì có 2 điều cần làm: (1) dùng một câu chuyện văn học thế giới trong quá khứ có liên quan rất gần với danh xưng “Ông Hoàng của Văn Học” để dẫn chứng; và (2) tìm về nguồn gốc văn học cuả tước hiệu này.

Vào đầu thập niên (19)60, cả nước Pháp và Âu Châu xôn xao bàn tán về một tin tức bất ngờ và thú vị, đó là một thiếu nữ thuộc dòng dõi của văn hào Victor Hugo kết hôn cùng ông hoàng Guillaume, một nhà quí tộc thuộc dòng vua trước đây của nước Phổ. Thiếu nữ này dầu sao cũng chỉ là con nhà dân dã, đào đâu ra dòng máu quí tộc. Trong khi đó bên Âu châu thời thập niên 60, theo thống kê thì có tới 16 công chuá đến tuổi kết hôn, mà chỉ có 9 hoàng tử ở tuổi lấy vợ. Chính vì vậy mà công chúa Margaret nước Anh đành phải yêu một Đại Tá li dị có 2 con và gần gấp đôi tuổi cô; ông này làm tùy viên của công chúa nên cứ theo tò tò, riết rồi lửa gần rơm có ngày cũng bén…Hoặc như công chuá Thụy Diển Margueritha, cũng chịu nhiều búa riù dư luận khi yêu một nhạc sĩ dương cầm. Thế giá cuả các hoàng nam trời Âu cao vòi vọi nhu thế, cho nên cô gái bị coi như “chuột sa hũ nếp,” vừa được đón nhận vào xã hội quí tộc, vừa được làm chủ một lâu đài đồ sộ ở miền quê nước Pháp. Thế thì cô đành chiụ thế “hạ phong” hay sao?

Thưa không! Báo chí Pháp phản ứng: Xin dư luận lưu ý rằng cô dâu thuộc dòng dõi nhà văn hào Victor Hugo, vốn là “Ông Vua Văn Học” của nước Pháp đấy nhé! Lâu đài văn học của Victor Hugo còn vĩ đại và rực rỡ gấp trăm lần lâu đài bằng gạch đá của dòng họ chú rể. Thế mới biết chỉ có văn học và những giá trị tinh thần cuả nó mới có thể làm lệch cán cân cuả thành kiến thông thường. “Ông Hoàng của Văn Học VN Hải Ngoại” cũng được ở chung trong cái category đó chứ không phải lơ tơ mơ đâu!

Về tính chính danh, tước hiệu “Ông Hoàng của Văn Học” có một nguồn gốc văn nghệ rất ngộ nghĩnh và có liên hệ nhiều với tuỳ bút Phở của nhà văn Nguyễn Tuân.

Khoảng cuối thập niên 50, chúng ta đều thích thú thưởng thức tuỳ bút về phở cuả nhà văn Nguyễn Tuân, đồng thời cũng sót sa cho ông vì bị nhà nước miền Bắc hạch sách, phê bình, kiểm thảo vì chủ đề phở là một nuối tiếc về quá khứ tiểu tư sản.

Sự thực không phải vậy: Phở vẫn được quốc doanh giới hạn trong khu vực Hà Nội. Thủ trưởng quốc doanh phở cũng là một nhà văn, bạn thân của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân thèm được ăn một tô phở cuả Hà Thành ngày cũ, nghiã là gồm đủ cả tái, sụn, nạm, gầu, ngầu pín, và đuôi bò. Chuyện này không dễ trong chế độ bao cấp và trong giới hạn cả Hà Nội chỉ đượ cung cấp 1 con bò 1 tuần. Nhất là món ngầu pín thì ngoài giới hạn 1 con bò, còn 1 giới hạn nữa là bò đực.

Sau nhiều tranh cãi giữa thủ trưởng phở, mà sau lưng có cố vấn Nguyễn Tuân, với cục Thực Phẩm, các tô phở quốc doanh được chia làm 3 loại:

- Tô tiểu táo: gồm 1 chén rưỡi bánh phở, gia thêm sụn, nạm, gầu, mỗi thứ 2 miếng, và “ngầu pín nguyên thỏi”, hoặc một khúc 2cm đuôi bò.

- Tô trung táo: gồm 1 chén bánh phở gia thêm chín, nạm, và gầu, mỗi thứ 3 miếng.

- Tô đại táo: gồm 2/3 chén bánh phở gia thêm thịt chin, 5 miếng.

Đây là lối mượn ngôn ngữ của Trung Quốc để biến thành những “xảo” ngữ nhằm đánh lừa và an ủi quần chúng. Ví dụ tô đại táo là tô phở do bếp loại lớn – như bếp của trại lính nấu ra, tương tự về vai vế như tô nhỏ nơi tiệm phở miền Nam, nhưng người ăn dễ vui sướng vì lầm lẫn chữ “đại táo” và “đại yến.” Tô tiểu táo, đúng ra là tô đặc biệt hay tô xe lưả ở miền Nam, do bếp loại nhỏ nấu một số ít tô, thì ngược lại chữ “tiểu táo” tương tự chữ “tiểu yến” sẽ cố ý ngụy trang làm giảm bớt tính cách tuyệt phẩm cuả tô phở.

Riêng món “ngầu pín nguyên thỏi”, một mưu đồ của Thủ Trưởng và nhà văn, để Nguyễn Tuân có cơ hội thưởng thức thỏi ngầu pín, đã là một sự tranh đấu và cọ xát với cục trưởng Thực Phẩm để đạt mục tiêu:

- “Tại sao ngầu pín đã hiếm mà đồng chí lại để nguyên thỏi, phải thái mỏng chứ?”

- “Thưa thủ trưởng, tụi em có khả năng thái mỏng dính y như nhân vật của Ngô Tất Tố chặt thịt gà vậy, nhưng mà quản lý khó lắm, thất thoát hết. Chi bằng chia ra 6-7 thỏi dễ quản lý hơn.

Thế nhưng, gậy ông đập lưng ông, Nguyễn Tuân chưa bao giờ được thưởng thức tô phở tiểu táo có “ngầu pín nguyên thỏi” cả. Vì hễ cứ tuần nào có giết bò đực thì sáng ngày hôm sau đã có vài công xa từ các phủ bộ đậu sẵn và tài xế xách ra những gầu-mên đóng kín.

Nhà văn Nguyễn Tuân giận quá và đã biến tức giận thành cảm hứng viết tuỳ bút Phở. Câu chuyện “đằng sau” tùy bút Phở này được kể lại gần đây - khoảng 10 năm - do một thi sĩ VN rất nổi tiếng được hưởng tị nạn chính trị trên đất Mỹ. Ông bị đi cải tạo nhiều năm từ thời Nhân Văn Giai Phẩm, cùng thời với những Trần Dần, Phùng Quán nên biết câu chuyện mặt sau cuả tùy bút Phở này. Thi sĩ say mê diễn tả với nụ cười tủm tỉm như là còn nhiều điều không tiện nói ra ở chỗ đông người: “Trời, Nguyễn Tuân nói cách ông thưởng thức tô phở nghe mê lắm các cụ ơi!” Trong cuộc họp mặt nhỏ đó cũng tại một quán phở, có những khuôn mặt cuả Văn Bút hải ngoại. Các vị này đã ồ lên một cách ngạc nhiên:
“Ồ! hồi nào tới giờ ở miền Nam cũng như hải ngoại ăn phở, mình có bao giờ thắc mắc gì về tiêu chuẩn đâu. Ồ! vậy thì tại sao ta lại không đặt tiêu chuẩn cho văn học. ‘Ông Hoàng của Văn Học’ thì cũng như tô phở trung táo; chuyển qua đơn vị thực thể văn học thì là một quyển truyện ngắn và một quyển truyện dài. ‘Ông Vua Văn Học’ thì cũng như tô phở tiểu táo; chuyển qua đơn vị thực thể văn học thì cỡ hai quyển truyện ngắn và hai quyển truyện dài, và càng nhiều tác phẩm hơn nữa thì càng quí. Có như thế mới đẩy mạnh văn chương hải ngoại được chứ.”

Cái dễ thương của môi trường văn học là sự khuyến khích để có càng nhiều ông vua, ông hoàng, bà chúa càng tốt, càng làm thăng hoa nền văn học. Trong khi một ông vua thật ngoài đời thì làm mọi cách để giữ ngôi độc tôn cuả mình.

Bạn hiền của tôi, nhà văn “Ông Hoàng của Văn Học” Đinh Trần, cũng đã xây dựng cho mình được một lâu đài văn học. Các bạn hiền khác: Sương Lam, Tâm Huy, Tân Kim Dung, Lão Tiểu, và Thi San rồi cũng sẽ lần lượt bước theo con đường của Ông Hoàng không sớm thì muộn.

Riêng tôi, một ngày đẹp trời nào đó sẽ bay xuống quận Cam để làm 2 việc: Trước tiên là sẽ đi từng nhà để bán sách dùm ông Hoàng Đinh Trần. Thứ đến là dàn xếp trước cùng nhà văn để có sẵn sàng một tô phở “tiểu táo” tại một tiệm phở nổi tiếng quận Cam và tôi sẽ ăn dùm nhà văn Nguyễn Tuân tô phở đặc biệt này, mà không biết trước khi chết ông đã có dịp được thưởng thức hay chưa. Cắn miếng ngầu pín, nghe những răng bị miếng thịt gân phản kháng; răng cắn mạnh hơn để thấy đó chỉ là phản kháng chiếu lệ. Khi răng đã ngập sâu vào miếng thịt, sức đàn hồi làm các răng như bị xoắn chặt lại và cảm giác ròn rụm tiếp theo kéo dài, kéo dài. Tôi sẽ khấn tên cụ nhà văn Nguyễn Tuân và kể cụ nghe cảm giác cụ muốn hưởng.

 
     
 
   
  © 2010 Góc Nhỏ