Tưởng nhớ anh Haryanto

Mawardi Trương Trung Hậu
    25.03.2013

Được tin anh trải qua cơn bịnh hiểm nghèo rồi tin anh mất, thật bất ngờ, không tưởng từ anh, một người luôn vui sống, gây thiện cảm với mọi người.

Lắng đọng thật lâu vì những gì tôi đã trải qua với anh đều “vui” cả và người ta thường nói: “cơn vui qua mau nhưng nỗi buồn cứ kéo dài”. Nhưng rồi kỷ niệm ngày nào lại trở về.

tiễn Mawardi Hậu đi Úc tại nhà Mintardjo Võ Văn Vũ
 

Khi tôi vào trường ĐH Kiến Trúc chương trình vẫn còn ảnh hưởng của Pháp, kéo dài 6 năm. Năm đầu học tổng quát, kế đến cấp II, 3 năm và sau cùng cấp I, 2 năm. Với truyền thống của trường tụi tôi học ở thầy thì ít, học ở bạn, đàn anh thì nhiều và thông thường chúng tôi phải chọn bạn để lập thành nhóm và thứ tự trong nhóm tựu trung như sau: đàn em là “nègre”, đàn anh là “patron”. Đàn em phụ đàn anh vẽ bài và đàn anh hướng dẫn đàn em qua kinh nghiệm của mình.

Khi tôi vào trường Kiến Trúc cũng là khi tôi mới vào Subud, rất bâng khuâng, bỡ ngỡ với cả 2 con đường đạo và đời. Ở trường tôi cũng lập nhóm như bao bạn học khác và với Subud tôi âm thầm đi latihan, 2 lần mỗi tuần. Trong thời gian đầu ở Subud tôi có nhiều thay đổi nên lòng tin nơi Thượng Đế càng gia tăng, thích và tham gia những sinh hoạt ở hội. Một thay đổi rất rõ ràng là tôi càng ngày càng lơ là việc học và chỉ thích đi hội thôi. Rồi quen anh Thăng và dần dần biết đến các đàn anh (Bình, Sơn, Hoài,…) ở trường kiến trúc.

Dân KT thường bị mang tiếng là “ăn to nói lớn” bởi vì khi vẽ bài, không phân biệt của ai trong nhóm, mọi người đều tụ lại bàn & cải, hào hứng, vui lắm. Nhiều khi không phải của nhóm mình nhưng bạn bè nhờ đến cũng nhào vô vẽ phụ và có lẽ chỉ ở trường kiến trúc, khi có những khó khăn trong đồ án, mình đều có thể nhờ bất cứ những ai rảnh tay phụ vẽ dùm hoặc giúp ý kiến.

Anh Bình lúc ấy vừa đi học vừa đi làm toàn thì nên thời giờ anh ít ỏi và dường như anh không có nhóm nên anh vẫn thường vẽ bài “1 mình”, anh nổi danh là luôn nộp bài trễ (charette). “Việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng” có lẽ vì vậy mà tôi có cơ hội vẽ phụ anh ở căn phòng nhỏ, phía sau bưu điện Tân định. Anh Thăng cũng thường có mặt để phụ giúp và để cùng nhau bàn chuyện “ở hội”. Người ta thường nói: “Thức đêm mới biết đêm dài” nhưng dân KT thấy đêm sao qua mau quá, vẽ hoài không hết, nếu có mệt thì kiếm góc nào đó ngủ, thức dậy vẽ tiếp,… Đây có lẽ là thời vàng son của nhóm “Subud Kiến trúc” hay là “Kiến trúc Subud”, vì ở trường tụi này có tên “nhóm Subud”, đến hội lại được kêu “nhóm KT”, vui quá phải không anh Bình (và các anh trong nhóm nữa)? Ôi bao kỷ niệm vui đẹp ngày nào!

Sau khi qua Áo dư âm của nhóm chỉ còn phảng phất đâu đó trong những ngày hội nghị Subud. Rồi huynh đệ tái định cư ở nơi nào khác, nếu có dịp thì gặp lại nhau ở hội nghị Subud thế giới, ôn lại thời vàng son.

Tôi xin được chia sẻ tâm tình này với chị Susilawati và các cháu cùng gia đình của anh. Cầu chúc anh được về với Đấng Thiêng Liêng như anh hằng mơ ước. Amen!

Em Mawardi Hậu