Tân Định xưa - Một thời để yêu và một thời để nhớ

Hoàng Nam Hartono Đỗ Đình Hoài
Westminster, Ngày 13 tháng 01 năm 2016                                                                                           

Trong khi ngoài trời Nam Cali  đang mưa gió dầm dề từ sáng đến giờ, và không biết bao giờ mới chấm dứt, làm Hoàng Nam gợi nhớ lại "Một Thời Đã Sống và Một Thời Đã Yêu" tại Tân Định, Quận Nhất Sài gòn.

Có lẽ nói không quá khi Hoàng Nam nói mình cũng là thổ địa của khu Tân Định. Tân Định là nơi chôn nhau cắt rốn, từ khi còn là đứa trẻ nghịch ngợm đến khi trưởng thành, các hang cùng ngõ hẻm nào quanh vùng Tân Định Hoàng Nam đều có mặt (chắc nhờ vậy mới kiếm được bà xã trong khu Tân Định này hì..hì..).

Nay tuy đã xa Tân Định đã hơn 20 năm, nhưng mỗi khi nhớ đến hai chữ này thì trong tâm trí hiện ra biết bao nhiêu là kỷ niệm thân yêu.

Và đây là một trong những kỷ niệm khó quên từ lúc được gia nhập vào Hội Huynh Đệ Tâm Linh Subud vào  năm 1971, có các bác và rất nhiều anh chị em huynh đệ cũng trú ngụ quanh quẩn trong khu Tân Định này.

Bưu điện Tân Định
 

Trước hết xin bắt đầu là Bưu Điện Tân Định, thuộc Quân Nhất, trên đường Hai Bà Trưng gần góc đường Hiền Vương, đối diện chênh chếch là Nhà Thờ Tân Định ở bên kia đường. Khu Bưu Điện có dãy nhà phía trước là văn phòng bán tem, bỏ thư, bưu phẩm, và dãy nhà phía sau là một căn nhà nhỏ, là nơi mà cả gia đình nhà anh Liêm Khiết Haryanto Trương Trọng Bình trú ngụ, vì ba của anh là Bác Trương Trọng Sơn được bổ nhiệm về đây làm Trưởng Ty Bưu Điện.

Gia đình Bác Sơn vào Subud rất đông, gồm hai bác, anh Lâm, Liêm Khiết, cô Lan, và nhiều người em. Vì Liêm Khiết học kiến trúc cùng lớp với Hoàng Nam tại Trường Đại Học Kiến Trúc từ năm 1966, nên Hoàng Nam hay đến nhà Liêm Khiết cùng học và làm bài chung trong căn phòng nhỏ (2m x 4m) của Liêm Khiết.

Ngã tư Hai Bà Trưng-Hiền Vương - nhà thờ Tân Định
 

Đường Hai Bà Trưng nếu đi về phía đường Hiền Vương, và quẹo phải đường này là một khu có nhiều nhà chuyên bán phở gà, nổi tiếng nhất là tiệm Phở Gà Hiền Vương. Nếu quẹo phải vào ngõ đầu tiên sẽ thấy nhiều xe bán kem, mì phở, và quán nhậu ngay trên vỉa hè, đi tiếp vào trong ngõ nhà đầu tiên bên trái là nhà của Bác Ngô Đình Căn, vị Phụ Tá của Bapak từ năm 1961, đã khai mở cho Hoàng Nam vào Subud vào năm 1971, lúc này Hoàng Nam được 24 tuổi.

 
 

Bác Căn, một con người hiền lành mộc mạc, giọng nói chậm rãi, từ tốn với chòm râu bạc, và lúc nào nụ cười cũng luôn nở trên môi. Bác cũng thường đi xe đạp đến thăm nhà Hoàng Nam vào những năm 80 vào những chiều Chủ Nhật, Bác hay giảng về đạo Phật, và vẫn còn nhớ Bác thường hay nói:"Con kiến cũng có thể thành Phật".

Vì Bác lớn tuổi nên Hoàng Nam thường đến đón Bác và đưa vào nhà Bác Dương Minh Châu trong Chợ Lớn để họp Phụ Tá mỗi tháng một lần, và còn nhớ Bác Căn cũng làm chủ hôn cho Murwadi Tấn, em ruột của Sophie Sudharmi Liên.

Trên đường Hai Bà Trưng nếu đi về phía Nhà Thờ Tân Định, cùng bên Bưu Điện cách độ năm căn là là tiệm chụp hình Thịnh Ký, là nhà của anh Phan Đình Việt, cũng học chung lớp với Hoàng Nam, anh Việt là Phó ban Kiến Thiết của Hội Huynh Đệ Tâm Linh Subud từ năm 1969.

Anh Việt người mập mạp, tính tình vui vẽ cởi mở, đã đứng ra trông nom, cùng với các anh em thanh niên kiến trúc như  Liêm Khiết, Hoàn Toàn Phan Tiền Thăng, Mawardi Trương Trung Hậu, Hoàng Nam Đỗ Đình Hoài, và anh Hardjono Nguyễn Văn Mão, anh Dương văn Đào, em Margono Ngyễn Dăng Dũng... cùng nhau dùng sức lao động, trèo lên để thay lại tất cả các cột kèo nhà Hội Subud đã bị mục nát có nguy cơ làm sập mái.

Đi thêm vài bước là một cái ngõ có chú ba tầu có xe đá nhận sirô xanh đỏ, mà mỗi lần Trường tiểu học Thiên Phước bên nhà thờ Tân Định tan học là con nít  học trò bu đầy xe. Buổi tối thì có kem của chú Sỉu Sỉu, kem của chú rất đặc biệt, ngon nhưng rất mắc, hôm thì kem dâu tây, hôm thì kem sầu riêng, đặc biệt hôm có kem nhản thơm ngon hết xẩy, và chắc chắn hồi đó năm 1960 mấy là không có hóa chất như bây giờ. 

Cách ba căn nữa là nhà của Hoàng Nam, ở từ năm 1960 đến1975, là tiệm Đức Xuân, đối diện ngay trước cửa nhà thờ Tân Định, năm 1973 nhờ có thêm một căn nhà trong ngõ bánh xèo đường Đinh công Tráng nên sau 1975 cả gia đình mới dọn vào trong này để ở.

Hoàng Nam có tất cả 7 người em thì có 4 người vào Subud, người em trai và em gái nay còn ở Tân Định và hai cô em kia thì đang ở bên Úc.

chợ Tân Định
 

Trên đường Hai Bà Trưng đi tới góc đường Trần Văn Thạch là Chợ Tân Định, đi tiếp quẹo trái là đường Đồ Chiểu, có Trường Tiểu Học Đồ Chiểu do Bà Lư Thị Thảo làm Hiệu Trưởng, Bà là trưởng ban Xã Hội của Subud, thường cùng phái đoàn anh chị em Subud đi phát gạo cho người nghèo, cô nhi, quả phụ. Trong trường này có gia đình Chị Nga được ở, là chị họ của Hoàn Toàn, cũng là người Subud.

Đi tiếp quẹo phải là đường Huỳnh Tịnh Của, có trường học mẫu giáo bên trái mà cô Sophie Liên bấy giờ là cô giáo, Iskandar Huân là con trai lớn của Hoàng Nam, là học trò của cô vào năm 1982.

Đi thêm một chút là đến ngõ Đỗ Phong Thuần thì quẹo trái vào trong đó có gia đình Anh Chị Nguyễn Hữu Dương ở cùng với bà Mẹ và cháu Tố Nga, là một địa điễm tập Latihan một tuần một lần vào những năm thập niên 80, thường có Bác Ngô Đình Căn, Bác Trần Nhân Nguyên, vợ chồng Hoàng Nam hay đến tập.

Gia đình Subud tiễn đưa Anh Chị Nguyễn Hữu Dương trước khi qua Mỹ định cư.
 

Bây giờ trở lại đường Hai Bà Trưng đi về phía cầu Kiệu thì có rạp Chiếu Bóng Kinh Thành, có bán kem cây sữa trên đầu có mấy hột nho khô, rất ngon và nổi tiếng nhưng cũng khá đắt đối với tụi con nít. Đối diện có gia đình Chị Thuận, cháu Thư, cháu Thái cũng vào Subud sau năm 1975  do Bác Lê Thị Lê khai mở.

Đi tiếp qua đường Yên Đỗ, bên trái là nhà Thuốc Cam Hàng Bạc, đi vài căn là ngõ 451 Hai Bà Trưng, quẹo vào ngõ đến căn số 13 là nhà của cô Sudharmi Sophie Trần Thị Liên, Rusmini Trần Thị Hoa, Purwati Trần Thị Lan, gia đình em Murwadi Tấn, em Toàn và bác gái Trần Thị Lang.

Kế đến là nhà số 15 là nhà của Tạ Kim, cùng lớp với Hoàng Nam, Kim tuy không vào Subud nhưng có hai người anh là Tạ Văn Dưỡng và Tạ Thắng được khai mở sau năm 1975.

Nhà Tạ Kim bên cạnh nhà cô Sophie, có căn phòng nhỏ riêng biệt với nhà lớn, hình vuông mỗi bề khoảng 2.5 m, có cửa sổ nhỏ thông qua cô Sophie, hồi đó có một dạo buổi sáng Bác Lang, Má cô Sophie bán cuốn ngay trước cửa nhà, Hoàng Nam và Tạ Kim cũng hay ăn sáng ngay trong phòng nhỏ này và đĩa bánh cuốn thì thường đưa qua cửa sổ nhỏ.

Đi vào phía trong là nhà của gia đình Hoàn Toàn Phan Tiền Thăng, có Bác gái, chị Nhi, em Chi cũng tập Latihan, đối diện là nhà của gia đình Liêm Minh Trần Ngọc Bích & Halimah Nguyễn Phước Thị Lý, và cô em gái được mở trước năm 1970.

Dưới chân Cầu Kiệu đường Hai Bà Trưng là gia đình anh Hợi cũng là dân Subud, nay anh ở bên tiểu bang Seatle hơn hai mươi năm nay.

Khúc dường Hai Bà Trưng chưa đến Cầu Kiệu, nếu quẹo tay phải là đường Trần Quang Khải. Vừa quẹo trái con đường này là một con đường nhỏ, nếu đi thẳng là Trường Trung Học Văn Lang mà Murwani Nguyễn Thị Ánh Thúy (vợ của Hoàng Nam) hồi xưa đi học, có những lần "cúp cua",  hai đứa đến tiệm bánh cuốn Thanh Trì trên con đường này. Tiệm này nhỏ xíu, mỗi bề hơn 2m, có hai vợ chồng già làm chủ, bà vợ thì bán bánh cuốn, ông chồng thì hớt tóc có độc nhất một cái ghế ngồi cho khách hớt tóc, và muốn ăn hai đĩa bánh cuốn thì phải chờ tráng bánh thật lâu.

Nếu đi thẳng đường Trần Quang Khải, đến đường Bà Lê Chân quẹo phải thì có cà phê quán cóc lề đường, và đi một chút quẹo trái vào trong ngõ là nhà của Mawardi Trương Trung Hậu cùng Mẹ và hai em Liên, Hiệp, là nơi tổ chức Selematan hôn nhân cho vợ chồng Hoàng Nam vào tháng 10 năm 1975, tham dự có khoảng 10 anh chị em.

nhà Halimah Thùy
 

Nếu đi tiếp trên đường Bà Lê Chân, bên trái là  nhà của Cô Halimah Bùi Thị Thùy cùng con là cháu Sophia Bùi Thị Thanh Tâm, cách vài căn nữa là nhà in Bùi Văn Tạ cũng thuộc nhà của Lukita Bùi Văn Tự, hai nơi này là địa điểm đầu tiên tập Latihan, và cũng là nơi hay tổ chức Lễ Selematan sau 1975.

rạp chiếu bóng Văn Hoa - đường Trần Quang Khải
 

Nếu đi trên đường Trần Quang Khải, đối diện trước rạp chiếu bóng Văn Hoa là nhà Bác Cung Thị Chí, tên Subud là Sunarti, đây là địa điểm tập Latihan bên phái nữ hơn 20 năm, gồm khoảng 10 chị em, tập xong là mọi người về ngay.

Trờ lại chợ Tân Định trên Đường Trần Văn Thạch thì có rạp chiếu bóng Modern. Đi tới quẹo mặt là Đường Lý Trần Quán (nay là Thạch thị Thanh), đi đến góc đường Đinh công Tráng, bên trái là nhà vợ chồng Hoàng Nam, trước năm 1975 là tiệm Chả Cá Sơn Hải.

 
 

Hồi xưa mỗi lần Ông Thiệu, Ông Kỳ đến đây ăn là có lính gác đầy đường.

Từ năm 1991 đến năm 1994, nhà Hoàng Nam xem như địa điểm chính để tiếp đón các anh chị em Subud từ nước ngoài về, một tháng trung bình tổ chức Selematan một lần gồm trên dưới 50 anh chị em, và nơi đây cũng là một trong những địa điểm tập Latihan nam vào buổi tối, tuần hai lần.

 
 

 

Và đây là hình của buổi Selematan tiễn đưa gia đình Hoàng Nam trước khi rời khỏi Việt Nam vào tháng 03 năm 1994.

 

Nay dù đã cao tuổi và sống xa quê hương hơn 20 năm, nhưng những kỷ niệm thân yêu vẫn luôn sống mãi trong lòng.

 
     
 
  © 2016 Góc Nhỏ